Hitotsume-kozō trong tín ngưỡng dân gian Hitotsume-kozō

Tại vùng Kantō có lễ Kotoyōka được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 12 và mùng 8 tháng 2 âm lịch. Người ta cho rằng yêu quái Hitotsume-kozō xuất hiện cùng với yêu quái Mikari Baba từ trong núi vào những ngày này và người dân treo một chiếc giỏ tre trước hiên nhà để tránh chúng. Ban đầu, rất nhiều địa phương ở vùng Kantō xem ngày lễ Kotoyōka là ngày kiêng cữ nên cứ ở trong nhà mà không ra đồng làm việc nhưng dần dần ý nghĩa của lễ hội này được giải thích là để tránh gặp Hitotsume-kozō và Mikari Baba nên không ai dám ra đồng.[5]Cũng tại vùng Kantō, quan niệm dân gian cho rằng cứ đến hội Kotoyōka hàng năm là yêu quái một mắt lại mang sổ sách đi từng nhà, xem nhà nào cửa nẻo không đóng cẩn thận, nhà nào không biết lễ nghi phép tắc, nhất nhất điều tra, ghi vào sổ để quyết định vận may của từng nhà hoặc báo lại cho thần dịch bệnh để gây tai ương cho nhà đó.[6] Trong ngày lễ này, yêu quái một mắt ghi chép tội lỗi của từng nhà vào ngày mùng 8 tháng 12 rồi gửi sổ sách cho Dōsojin (thần đường sá bảo vệ làng mạc) rồi quay trở lại lấy vào ngày mùng 8 tháng 2 năm sau. Vì vậy ở quận Seya, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, người ta tổ chức lễ hội Dondoyaki vào ngày 14 tháng 1 để đốt sổ sách của Dōsojin. Trong lễ hội, người ta dựng một cái am tạm cho Dōsojin rồi đốt cùng với sổ sách, ghi chép đầu năm. Người ta tin rằng làm như vậy thì sổ sách của Hitotsume-kozō gửi cho Dōsojin bị thiêu hủy khiến nó không còn chứng cứ để gieo họa nữa khi trở lại lấy vào ngày mùng 8 tháng 2. Tương tự, ở địa phương Izu tỉnh Shizuoka, người ta tổ chức lễ hội Dōsojin vào ngày 15 tháng giêng, ném tượng Dōsojin vào trong lửa để đốt.

Vị thần dị hình

Theo nhà phong tục học Yanagita Kunio thì yêu quái Hitotsume-kozō là hình dáng của sơn thần thất cách, bắt nguồn từ quan niệm "yêu quái chính là thần linh đọa lạc" trong dân gian. Ở nhiều địa phương, người ta cho rằng thần núi mắt lé, hai mắt lệch nhau và nói theo cách khác là "một mắt" nên yêu quái này được xem là có nguồn gốc từ thần núi. Ngoài ra cũng có chứng cứ cho thấy vào thời cổ, những người một chân một mắt thường bị biến thành vật hy sinh tế thần và theo các thợ săn và tiều phu ở nhiều địa phương trong nước Nhật thì họ từng thấy tượng người một chân một mắt trong các am thờ thần tự nhiên trong rừng. Cũng phải nói đến trường hợp của những người luyện thép, họ thường xuyên nhìn vào lò lửa cháy rực nên rất nhiều người bị mất một mắt. Vì vậy có thuyết cho rằng Hitotsume-kozō có liên quan đến thần Amenoma Hitotsunokami, vị thần một mắt bảo hộ cho những người luyện thép.